Hướng dẫn thực hiện an toàn sinh học trong trang trại chăn nuôi heo – Giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh nguy hiểm từ xa

An toàn sinh học trong chăn nuôi là các biện pháp (bao gồm cả kỹ thuật và quản lý) nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra gây hại đến con người, vật nuôi và hệ sinh thái. Để ngăn ngừa các dịch bệnh nguy hiểm lây lan và phát tán trong các trang trại cần thực hiện tốt các giải pháp: Ngăn ngừa sự xâm nhập của dịch bệnh, ngăn ngừa sự phát tán của mầm bệnh và ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, cụ thể như sau:

1. Quản lý vật nuôi mới nhập trại – ngăn ngừa sự xâm nhập của bệnh dịch

Bệnh truyền nhiễm thường lan truyền trực tiếp từ con vật mang mầm bệnh sang con vật chưa mắc bệnh. Có 3 chỉ dẫn chung để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào trại khi có lứa vật nuôi mới:

1. Đóng kín đàn vật nuôi

Để đảm bảo tốt an toàn sinh học trong trang trại nuôi cần áp dụng các nguyên tắc chung sau:

  • Sử dụng vật nuôi sinh trưởng trong trại hoặc hệ thống chăn nuôi của trang trại, công ty để duy trì và phát triển quy mô chăn nuôi
  • Không cho vật nuôi tiếp xúc “qua hàng rào” với động vật bên ngoài.
  • Không cho con đực từ ngoài vào để giao phối.
  • Không đưa vật nuôi ra ngoài trại rồi lại đưa vào trại.
  • Không nuôi hỗn độn nhiều lứa, nhiều giống và vật nuôi có nhiều độ tuổi khác nhau trong cùng chuồng, dãy.
  • Trong cùng một ngăn, một dãy cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “cùng nhập, cùng xuất”, không nuôi gối đầu, luân chuyển trong một khu chuồng.

2. Cách ly vật nuôi mới nhập trại

Việc nuôi cách ly lứa vật nuôi mới nhập trại là điều bắt buộc, cần thực hiên các việc sau:

  • Sử dụng chuồng nuôi, hệ thống cấp thức ăn, người chăm sóc riêng biệt để nuôi lứa mới ở chuồng cách ly
  • Không cho vật nuôi cũ và mới tiếp xúc nhau.
  • Chất thải đàn vật nuôi mới nhập không được đưa qua khu vực nuôi chung.
  • Nuôi cách ly đủ thời gian cần thiết tối thiểu 21 ngày và theo dõi mọi biểu hiện của bệnh dịch.
  • Khám, lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra bệnh dịch trước khi thả lứa mới vào chuồng nuôi chung.

3. Biết rõ nguồn gốc lứa mới và qua kiểm tra thú y

  • Cần biết rõ lai lịch của lứa mới: heo xuất phát từ trại nào, ở khu vực nào có phù hợp dich tễ hay không, phân bổ heo cần theo bản đồ di chuyển heo của hệ thống, nguồn gốc chất lượng giống như thế nào.
  • Tình trạng bệnh dịch của trại xuất và các loại văcxin đã được tiêm vào đàn heo cần được cung cấp đầy đủ thông tin đầy đủ để trại tiếp nhận có phương án chăm sóc, điều trị hợp lý, đồng thời tiêm phòng bổ sung các loại vacxin chưa được tiêm theo quy trình.

2. Kiểm soát các nhân tố trung gian truyền bệnh – ngăn ngừa dịch bệnh phát tán

Các mầm bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, kỹ sinh trùng… có thể được mang theo từ người và các loại động vật khác vào trại và trong điều kiện thuận lợi sẽ phát triển và phát tán trong khắp trại. Cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Kiểm soát chim chóc

Chim chóc bay quanh trại có thể mang mầm bệnh trong chân và hệ tiêu hóa. Để hạn chế chim trong trại:

  • Loại bỏ tất cả các lỗ, hốc nhỏ chim có thể làm tổ trong các mái nhà, bức tường, bụi cây trong trại.
  • Các lỗ thông hơi và quạt gió cần có lưới chắn.
  • Không cho chim đầu vào khu vực chế biến thức ăn chăn nuôi của trại.
  • Loại bỏ những vật gần chuồng nuôi mà chim có thể đậu.

2. Kiểm soát loài gặm nhấm, chuột và chó, mèo

Chuột và các loại gặm nhấm, chó mèo rất dễ mang mầm bệnh vào thức ăn của vật nuôi vì bản thân chúng là những ổ reo rắc mầm bệnh tiềm năng. Để hạn chế chuột và các loài gặm nhấm cần thực hiện các biện pháp sau:

  • Các chuồng nuôi được thiết kế chống sự xâm nhập của các loài gặm nhấm, đặc biệt chú ý đến các cống thoát nước, giàn mát cần được gia cố ở các góc, cạnh và có lưới mắt cáo (1x1cm) bảo vệ bên ngoài.
  • Loại bỏ các tổ chuột, nơi trú ẩn của loài gặm nhấm trong trại nuôi.
  • Kho chứa thức ăn và bể nước cách xa chuồng nuôi.
  • Thường xuyên tổ chức diệt chuột và các loài gặm nhấm trong và xung quanh trại chăn nuôi.
  • Không để chó, mèo di chuyển tự do trong trại trại. Nếu nuôi để bảo vệ cần có lồng, cũi nhốt và phải tiêm vắc xin đầy đủ
  • Kiểm soát và hạn chế chó mèo tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi hoặc vào khu vực cho vật nuôi ăn.
  • Tuyệt đối không nuôi các loại vật nuôi khác như gà, vịt, heo rừng, ngan ngỗng…trong trang trại chăn nuôi heo gây mất an toàn sinh học và tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Giăng màn chống côn trùng, loài gặm nhắm và chim chóc,…

3. Kiểm soát người

Người có thể mang mầm bệnh trên giầy, quần áo, trên tay và hoặc phát tán mầm bệnh qua hơi thở, chất tiết. Để kiểm soát, cần thực hiện các biện pháp:

Kiểm soát khách thăm:

  • Thông báo cho mọi nhân viên, khách thăm hoặc lái xe vào trại về các biện pháp phòng dịch và đề nghị họ hợp tác thực hiện.
  • Không khuyến khích khách thăm vào chuồng nuôi, đặc biệt đối với các trại hạt nhân và trại âm tính
  • Hạn chế tối đa khách đã đi thăm trại chăn nuôi khác 1-5 ngày trước khi đến trại mình.
  • Ngoài cổng trại nuôi treo biển “Cấm vào” và không cho người lạ tự do vào trại.
  • Không cho khách thăm tiếp xúc trực tiếp với vật nuôi.
  • Cho khách chỉ được vào những khu vực nhất định trong trại.
  • Bắt buộc khách thăm phải thực hiện đầy đủ quy trình cách ly, tắm, vệ sinh sát trùng theo quy định.
  • Cấp ủng cao su hoặc túi bó giầy bằng chất dẻo, áo khoác sạch cho khách.
  • Bắt buộc khách thăm vào chuồng rửa giầy khi vào và ra trại bằng cách nhúng chân vào hố chứa dung dịch sát trùng.

Kiểm soát nhân viên:

  • Cán bộ kỹ thuật và công nhân phải ở cố định trong trại nuôi, khi có công việc cần ra ngoài hoặc về nhà phải có sự đồng ý của Quản lý trại. Khi quay lại trại làm việc cần ở cách ly tối thiểu 1- 2 ngày và thực hiện đầy đủ quy trình vệ sinh, sát trùng trước khi tiếp xúc với vật nuôi.
  • Cán bộ kỹ thuật và công nhân làm việc trong chuồng nuôi phải mặc trang phục và bảo hộ lao động đầy đủ. Quần áo lao động trong trại cần được khử trùng trước khi giặt.
  • Hạn chế tối đa công nhân đi từ khu vực/chuồng chăn nuôi này sang khu vực/chuồng chăn nuôi khác trong trại hay tiếp xúc với quá nhiều nhóm vật nuôi trong một ngày.
  • Cán bộ phụ trách kỹ thuật của trại cần thực hiện công việc theo đúng hướng dẫn về an toàn dịch bệnh: thực hiện các công việc chuyên môn từ khu sạch sang khu bẩn. Trường hợp có nhiều ô chuồng dịch bệnh cần phân công người theo dõi, chăm sóc điều trị riêng tránh lây lan.
  • Nhân viên trại nuôi không nên chăn nuôi thêm ở gia đình mình. Cán kỹ thuật của trại tuyệt đối không hành nghề thú y hoặc tiếp xúc với chăn nuôi bên ngoài.

Không mang các loại thực phẩm sống (đặc biệt là heo mua ở chợ) vào khu vực quanh chuồng nuôi để nấu ăn. Khuyến khích tự tăng gia các loại rau trong trại và sử dụng thịt heo tại trại để làm thực phẩm.

4. Kiểm soát phương tiện chuyên chở trong trại

  • Tổ chức đường vận chuyển thức ăn không qua khu vực bị nhiễm phân, chứa chất thải hoặc khu xử lý xác chết.
  • Không chung phương tiện vận chuyển phân với các chuồng nuôi khác nhau hoặc trangtrại nuôi bên cạnh.
  • Không dùng phương tiện chở phân để chở thức ăn, trong trường hợp cần phải dùng thì cần rửa rất sạch, sát trùng kỹ trước khi chở thức ăn.
  • Bố trí kho thức ăn cách xa hố chứa phân, tránh làm đường đi chung đến hai nơi.
  • Xe vận chuyển thức ăn, thuốc và heo giống từ nhà máy, trang trại đến các trang trại cần đi theo đúng luồng sạch, luồng bẩn. Tuyệt đối không sử dụng xe vận chuyển chạy từ trại dịch sang trại sạch.
  • Các phương tiện vận chuyển tuân thủ tuyệt đối việc vệ sinh, tiêu độc, sát trùng trước, trong và sau khi vận chuyển.

5. Kiểm soát thức ăn và nước cho vật nuôi ăn

  • Thức ăn được cung cấp có chất lượng bảo đảm và đã được kiểm tra, giám sát.
  • Tránh để thức ăn bị nhiễm hóa chất, chất bảo vệ thực vật và thuốc chữa bệnh trong quá trình bảo quản.
  • Không để thức ăn bị nhiễm phân, không dải thức ăn ra nền chuồng khi cho ăn.
  • Sắp xếp các loại thức ăn cẩn thận để không cho vật nuôi ăn nhầm loại thức ăn.
  • Bảo quản thức ăn đúng quy cách.
  • Cho vật nuôi uống nước có chất lượng đảm bảo, đã được khử trùng và luôn làm sạch hệ thống cấp nước.
  • Định kỳ 4 tháng 1 lần lấy mẫu kiểm tra chất lượng nguồn nước. Định kỳ kiểm tra, tu sửa và bảo dưỡng hệ thống cung cấp nước và thau rửa đường ống.

6. Kiểm soát dụng cụ chăn nuôi

  • Mỗi khu chuồng nên có dụng cụ chăn nuôi riêng. Nếu cần luân chuyển trong trại thì phải rửa sạch và khử trùng khi đưa từ khu chuồng này sang khu chuồng khác.
  • Dụng cụ chăn nuôi mang vào hoặc mang ra khỏi trại cần được rửa sạch và khử trùng bên trong, bên ngoài và sau thời gian khử trùng cần thiết mới dùng.

3. Quản lý vệ sinh và khử trùng – ngăn chặn sự phát sinh của dịch bệnh

Sự phát sinh, phát triển dịch bệnh từ bên trong trại nuôi được kiểm soát khi các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng được thực hiện:

1. Xử lý xác động vật

Vật dụng chuyên chở xác súc vật có thể gây nguy hiểm cho người và các loại đông vật khác. Thậm chí đất, nước, không khí ở trong khu vực đó cũng phải được chú ý một cách đặc biệt. Nhằm giảm thiểu mức độ lây nhiễm nguy hiểm cần phải:

  • Đưa ra ngoài chuồng nuôi xác động vật chết trong vòng 24 tiếng (sau khi động vật chết). Giữ xác vật nuôi nhỏ trong những thùng chứa cho đến khi đem xử lý
  • Gọi đội chuyên xử lý xác động vật chết đến để mang xác đi.
  • Vệ sinh và khử trùng toàn bộ khu vực ngay sau khi đã đưa xác vật nuôi đi.
  • Mặc quần áo bảo hộ khi vệ sinh và khử trùng chuồng trại lưu giữ xác vật nuôi.
  • Phương pháp chôn và xử lý xác vật nuôi chết:
    • Không chôn động vật và sản phẩm động vật ở vùng ngập nước hoặc có mực nước ngầm nông.
    • Bãi chôn lấp xác động vật phải xa khu dân cư. Hố chôn phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích; nên chọn nơi chôn trong vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ để quá trình vô cơ hóa trong hố chôn xảy ra nhanh chóng, hạn chế ô nhiễm môi trường.
    • Ở khu vực đất cát, đáy và xung quanh thành hố chôn cần có vật liệu chống thấm để bảo vệ nguồn nước ngầm.
    • Sau khi chôn lấp, bề mặt hố chôn và xung quanh khu vực chôn phải được rải vôi bột, phun khử trùng để diệt mầm bệnh phát tán trong quá trình thao tác.
    • Thực hiện quản lý, kiểm tra định kỳ, xử lý kịp thời các sự cố sụt lún, sói mòn, rò rỉ bốc mùi của hố chôn như phủ thêm đất, lấp lại, phun hóa chất khử trùng.
    • Đối với phương pháp đốt, địa điểm đặt giàn đốt phải đảm bảo hơi nóng, khói bụi và mùi do chất đốt tạo ra không làm ảnh hưởng đến các công trình ngầm hay trên cao, đường đi và khu dân cư xung quanh./.

2. Quản lý phân và chống ruồi nhặng

Sự lây lan dịch bệnh thông thường từ phân, nước tiểu và từ xác chết của vật nuôi. Tác nhân trung gian có thể gây bệnh là từ thức ăn, nước uống và chuồng trại. Các biện pháp sau làm giảm bớt sự lây lan dịch bệnh qua phân vật nuôi:

  • Xây dựng và láp đặt hệ thống bể biogas để xử lý và chứa phân nhằm ngăn chăn sự ô nhiễm môi trường phù hợp với các tiêu chuẩn về vệ sinh chăn nuôi.
  • Ủ và chứa đựng phân đúng qui cách để loại trừ hầu hết các loại dịch bệnh từ vi khuẩn.
  • Thường xuyên lấy phân cũ trong các bể chứa để không cho động vật ký sinh và ruồi sống qua chu kỳ sống ở đó.
  • Hạn chế sự phát triển của ruồi bằng cách dọn phân, sử dụng các loai bẫy, các loại mồi và giấy dính ruồi, sử dụng thuốc diệt côn trùng.
  • Sử dụng các chế phẩm vi sinh để hạn chế mùi hôi chuồng nuôi và tang cường dọn dẹp phân trong chuồng nuôi, phun sát trùng định kỳ để ngăn chặn sự phát triển của mầm bệnh trong chuồng nuôi.

3. Khử trùng chuồng nuôi

  • Chuồng nuôi phải được làm vệ sinh hàng ngày và phải được khử trùng định kỳ theo chế độ phòng bệnh của thú y.
  • Sau khi xuất toàn bộ vật nuôi phải tiến hành khử trùng toàn bộ chuồng nuôi theo chế độ tổng vệ sinh và khử trùng trước khi nuôi lứa mới.
  • Trường hợp trong chuồng nuôi có vật nuôi bị chết vì bệnh dịch thì phải thực hiện chế độ khử trùng cấp bách theo hướng dẫn của thú y.

4. Sử dụng các chất khử trùng

Để khử trùng trại chăn nuôi cần sử dụng thuốc khử trùng có các tính chất sau:

  • Phải có tác dụng diệt khuẩn, nấm và virus.
  • Có tác dụng khử trùng rác hữu cơ (nhiễm phân).
  • Không bị giảm tác dụng khi pha vào trong nước có độ cứng cao
  • Lưu tác dụng trong một thời gian nhất định sau khi đã tiếp xúc với vật được khử trùng.
  • Có thể kết hợp sử dụng với các loại xà phòng hoặc chất tẩy rửa.
  • Có thể sử dụng cho các dụng cụ, thiết bị chăn nuôi (không ăn mòn, làm hỏng).
  • Không làm ô nhiễm môi trường và được phép sử dụng.
  • Thích hợp với mục đích sử dụng (vì thông thường không phải chất khử trùng nào cũng đều diệt được mọi vi sinh gây bệnh).

Thực hiện tốt an toàn sinh học kết hợp với tiêm vắc xin cho vật nuôi là cơ sở đảm bảo cho thành công trong việc phòng chống dịch bệnh.

Nguồn: Nguyễn Văn Minh
Animal Health – Mavin Group