Bloomberg: Việt Nam có thể thiếu 1,3 tỉ USD giá trị thịt heo vào đầu năm 2020

Theo công ty tư vấn Ipsos Business Consulting, trong giai đoạn từ nay đến cuối tháng 1 (trùng với thời điểm Tết Nguyên đán), Việt Nam có nguy cơ thiếu hụt 500.000 tấn thịt heo (trị giá gần 1,3 tỉ USD) do dịch tả heo châu Phi tàn phá đàn heo trong nước.

“Nguồn cung thịt heo đã trở nên khan hiếm”, ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư kí Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho hay.

“Khối lượng thịt heo nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 5 – 7 lần trong nửa đầu năm nay và sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm”, Bloomberg dẫn lời ông Nguyễn Tất Thắng cho hay.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ các nhà sản xuất thịt heo Mỹ và châu Âu có thể bù đắp đáng kể lượng thịt thiếu hụt (trị giá khoảng 1,29 tỉ USD) hay không, ông Phong Quách, người phụ trách Ipsos Business Consulting tại Việt Nam, lo ngại.

Cũng theo ông Phong, người dân Việt Nam ưa thích thịt tươi mua từ chợ truyền thống hơn, trong khi thịt nhập khẩu chủ yếu là loại đông lạnh.

Doanh nghiệp cần phải có các cơ sở lưu trữ, rã đông, cắt và đóng gói khối lượng lớn thịt heo để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và thói quen mua sắm của người dân, đồng thời phải thiết lập hệ thống phân phối thịt heo đến các chợ địa phương, bên cạnh chuỗi siêu thị lớn tại thành phố.

Tình trạng thiếu nguồn cung thịt heo đang gây thêm áp lực lên nỗ lực duy trì lạm phát dưới 4% của chính phủ trong năm nay.

Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khoảng 70% tổng lượng thịt tiêu thụ tại Việt Nam trong năm ngoái là thịt heo.

Kể từ khi dịch tả heo châu Phi lần đầu được báo cáo ở hai tỉnh phía bắc vào đầu tháng 2, cho đến nay đã có khoảng 5 triệu con heo đã bị tiêu hủy trên khắp Việt Nam, tương đương 20% đàn heo cả nước.

Nỗ lực kiểm soát dịch cho đến nay không thể ngăn chặn sự lây lan của virus tả heo châu Phi, khi một số tỉnh từng tuyên bố hết dịch tả heo nay bùng phát trở lại.

“Tôi lo ngại về vấn đề thiếu nguồn cung thịt heo vì toàn bộ số heo nái trong các trang trại bị ảnh hưởng đều đã đem đi tiêu hủy hoặc bán do virus tả heo châu Phi lây lan”, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, chia sẻ.

Vốn được biết đến là “thủ phủ heo”, Đồng Nai đã tiêu hủy hơn 30% tổng đàn heo trong tỉnh. “Rất nguy hiểm nếu chúng tôi tái đàn vì virus đã xuất hiện trên khắp Việt Nam”, ông Đoán nói.

Theo ông Đoán, người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ bắt đầu thiếu thịt heo vào cuối tháng 10. 

Việc thương lái thu mua thịt heo Việt Nam với mức giá cao để xuất sang Trung Quốc cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung thịt tại Việt Nam, Bloomberg cho biết. 

Yên Khê

Theo Kinh tế & Tiêu dùng